TRANG CHỦWTOCơ chế giải quyết tranh chấp
13/11/2023

Các cơ quan giải quyết tranh chấp

Thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO được thực hiện bởi các cơ quan khác nhau, mỗi cơ quan có chức năng riêng biệt, tạo nên tính độc lập trong hoạt động điều tra và thông qua quyết định trong cơ chế này.

Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB):

Cơ quan này thực chất là Đại hội đồng WTO, bao gồm đại diện của tất cả các quốc gia thành viên. DSB có quyền thành lập Ban hội thẩm, thông qua các báo cáo của Ban hội thẩm và của Cơ quan phúc thẩm, giám sát việc thi hành các quyết định, khuyến nghị giải quyết tranh chấp, cho phép đình chỉ thực hiện các nghĩa vụ và nhượng bộ (trả đũa). Tuy nhiên, DSB chỉ là cơ quan thông qua quyết định chứ không trực tiếp thực hiện việc xem xét giải quyết tranh chấp.

Các quyết định của DSB được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận phủ quyết. Đây là một nguyên tắc mới theo đó một quyết định chỉ không được thông qua khi tất cả thành viên DSB bỏ phiếu không thông qua. Điều này đồng nghĩa với việc các quyết định của DSB hầu như được thông qua tự động vì khó có thể tưởng tượng một quyết định có thể bị bỏ phiếu chống bởi tất cả các thành viên DSB. Nguyên tắc này khắc phục được nhược điểm cơ bản của cơ chế giải quyết tranh chấp trong GATT 1947 nơi áp dụng nguyên tắc đồng thuận truyền thống - mọi quyết định chỉ được thông qua khi tất cả các thành viên bỏ phiếu thông qua (mỗi thành viên đều có quyền phủ quyết quyết định) – một rào cản trong việc thông qua các quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp.

Ban hội thẩm (Panel):

Ban Hội thẩm bao gồm từ 3 - 5 thành viên có nhiệm vụ xem xét một vấn đề cụ thể bị tranh chấp trên cơ sở các qui định WTO được quốc gia nguyên đơn viện dẫn. Ban hội thẩm có chức năng xem xét vấn đề tranh chấp trên cơ sở các qui định trong các Hiệp định của WTO mà Bên nguyên đơn viện dẫn như là căn cứ cho đơn kiện để giúp DSB đưa ra khuyến nghị/quyết nghị thích hợp cho các bên tranh chấp. Kết quả công việc của Ban hội thẩm là một báo cáo trình DSB thông qua, giúp DSB đưa ra các khuyến nghị đối với các Bên tranh chấp. Trên thực tế, đây là cơ quan trực tiếp giải quyết tranh chấp mặc dù không nắm quyền quyết định (bởi với nguyên tắc đồng thuận phủ quyết mọi vấn đề về giải quyết tranh chấp khi đã đưa ra trước DSB đều được “tự động” thông qua).

Các thành viên Ban hội thẩm được lựa chọn trong số các quan chức chính phủ hoặc các chuyên gia phi chính phủ không có quốc tịch của một Bên tranh chấp hoặc của một nước cùng là thành viên trong một Liên minh thuế quan hoặc Thị trường chung với một trong các nước tranh chấp (ví dụ: Liên minh Châu Âu). Ban hoạt động độc lập, không chịu sự giám sát của bất kỳ quốc gia nào.

Cơ quan Phúc thẩm (SAB):

Cơ quan Phúc thẩm là một thiết chế mới trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, cho phép báo cáo của Ban hội thẩm được xem xét lại (khi có yêu cầu), đảm bảo tính đúng đắn của báo cáo giải quyết tranh chấp. Sự ra đời của cơ quan này cũng cho thấy rõ hơn tính chất xét xử của thủ tục giải quyết tranh chấp mới.

Cơ quan Phúc thẩm gồm 7 thành viên do DSB bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm (có thể được bầu lại 1 lần). Các thành viên Cơ quan Phúc thẩm được lựa chọn trong số những nhân vật có uy tín và có chuyên môn được công nhận trong lĩnh vực luật pháp, thương mại quốc tế và trong những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của các hiệp định liên quan. Tuy nhiên, việc xét xử phúc thẩm trong từng vụ việc chỉ do 3 thành viên SAB thực hiện một cách độc lập.

Khi giải quyết vấn đề tranh chấp, SAB chỉ xem xét lại các khía cạnh pháp lý và giải thích pháp luật trong Báo cáo của Ban hội thẩm chứ không điều tra lại các yếu tố thực tiễn của tranh chấp. Kết quả làm việc của SAB là một báo cáo trong đó Cơ quan này có thể giữ nguyên, sửa đổi hoặc đảo ngược lại các kết luận trong báo cáo của Ban hội thẩm. Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm được thông qua tại DSB và không thể bị phản đối hay khiếu nại tiếp. 

Nguồn: Trung WTO và Hội nhập - VCCI

Các bài khác
Tư vấn đầu tư
Tư vấn đầu tư
Kết nối doanh nghiệp
Kết nối doanh nghiệp
Xúc tiến thương mại
Xúc tiến thương mại
Tài liệu - Ấn phẩm
Tài liệu - Ấn phẩm
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG
TRUNG TÂM THAM VẤN WTO và FTAs
WTO