Các khiếu kiện có thể được giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO được qui định tại Điều XXIII.1 GATT 1994 bao gồm:
- Khiếu kiện có vi phạm (violation complaint): khiếu kiện phát sinh khi một quốc gia thành viên không thực hiện các nghĩa vụ của mình theo qui định tại Hiệp định (trong trường hợp này thiệt hại được suy đoán là đương nhiên)
- Khiếu kiện không vi phạm (non-violation complaint): là loại khiếu kiện phát sinh khi một quốc gia ban hành một biện pháp thương mại gây thiệt hại (làm mất hay phương hại đến) các lợi ích mà quốc gia khiếu kiện có được từ Hiệp định hoặc cản trở việc thực hiện một trong các mục tiêu của Hiệp định - không phụ thuộc vào việc biện pháp đó có vi phạm Hiệp định hay không
- Khiếu kiện dựa trên “sự tồn tại một tình huống khác” (“situation” complaint): trong trường hợp này, quốc gia khiếu kiện cũng phải chứng minh về thiệt hại mà mình phải chịu hoặc trở ngại gây ra đối với việc đạt được một mục tiêu của Hiệp định.
Như vậy, tranh chấp trong khuôn khổ WTO không nhất thiết phát sinh từ một hành vi vi phạm các qui định tại các Hiệp định của tổ chức này của một hoặc nhiều quốc gia thành viên (thông qua việc ban hành/thực thi một biện pháp thương mại vi phạm nghĩa vụ của quốc gia đó theo WTO). Tranh chấp có thể phát sinh từ một “tình huống” khác hoặc khi một biện pháp thương mại do một quốc gia thành viên ban hành tuy không vi phạm qui định của WTO nhưng gây thiệt hại cho một hoặc nhiều quốc gia thành viên khác.
Qui định này thực chất là sự kế thừa qui định trước đây của GATT 1947 về phạm vi áp dụng của cơ chế giải quyết tranh chấp: một qui định phản ánh sự mềm dẻo trong các qui định về quyền và nghĩa vụ của các thành viên WTO theo đó một bên có thể phải nhượng bộ trong một vấn đề cụ thể (mà mình có quyền hoặc chí ít là không bị cấm) để tránh gây thiệt hại cho bên (các bên) khác hoặc nhằm đạt được một mục tiêu nhất định của Hiệp định liên quan.