TRANG CHỦTIN TỨCTin tức - Sự kiện
30/10/2023

Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới: Xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp hội nhập và phát triển

Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng tới mọi khía cạnh của đời sống - xã hội, phát triển thương mại điện tử được xem là trụ cột chính để phát triển nền kinh tế số. Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới… đã và đang trở thành một phương thức kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp... Đây cũng là nhận định của các diễn giả tại hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới - Tinh hoa hàng Việt lần thứ 5” do Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thương mại điện tử đã tác động làm thay đổi cách tương tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với khách hàng, góp phần khắc phục các rào cản trong hoạt động thương mại quốc tế, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường kinh doanh, qua đó tạo động lực cho sự phát triển của hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.

Theo Phó Cục trưởng Lại Việt Anh, việc ứng dụng thương mại điện tử nhận được Chính phủ quan tâm sâu sắc và tạo nhiều điều kiện để phát triển. Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình ứng dụng thương mại điện tử và vươn ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/05/2020 về việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực là một trong những nội dung quan trọng, cần tập trung thực hiện trong phát triển thương mại điện tử của Việt Nam, trong đó cần xây dựng gian hàng quốc gia trên một số sàn thương mại điện tử lớn của thế giới, tổ chức các không gian hàng Việt là nơi tập trung các thương hiệu uy tín...

Về phía Bộ Công Thương, bên cạnh việc ký kết các hiệp định hợp tác với các đối tác trong khu vực và quốc tế, mới đây nhất ngày 13/10/2023, Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về hoạt động thương mại số tại Việt Nam. Biên bản ghi nhớ về hoạt động thương mại số tại Việt Nam được xây dựng và triển khai nhằm góp phần củng cố hệ sinh thái thương mại số của Việt Nam đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp 2 nước, đồng thời nâng cao năng lực trong công tác xây dựng khung chính sách và pháp luật về thương mại số, đáp ứng nhu cầu phát triển về thương mại số tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào hoạt động thương mại số thông qua các nền tảng, công cụ phát triển thương mại số, các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp.

Kết nối doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng

Phát biểu tại hội nghị, ông Eric Broussard - Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon, Khối Đối tác bán hàng quốc tế chia sẻ, hiện đang có khoảng 2 triệu đối tác bán hàng của Amazon trên khắp thế giới. Sản phẩm do các đối tác bán hàng bên thứ 3 chiếm 60% tổng lượng sản phẩm bán ra trên Amazon. Việt Nam là một mắt xích cung ứng mới nổi của thương mại điện tử toàn cầu. “Chúng tôi đề cao năng lực sản xuất, tinh thần khởi nghiệp và tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng của Việt Nam. Đó là lý do chúng tôi cam kết nâng cao sự hiện diện của Amazon tại Việt Nam, tiếp tục đồng hành thúc đẩy doanh nghiệp Việt thành công cùng Amazon” - Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, ông Gijae Seong - Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ, thương mại điện tử là một trong các xu hướng lớn tiếp theo dành cho các doanh nghiệp muốn phát triển toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là liệu các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng xu hướng này một cách nhanh chóng, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng toàn cầu và xây dựng kế hoạch tăng trưởng dài hạn? Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cũng cho hay, với việc công bố chiến lược năm 2024 và giới thiệu các công cụ, chương trình mới, Amazon mong muốn tiếp sức cho các nhà sản xuất, thương hiệu và doanh nhân Việt Nam trong mọi giai đoạn của hành trình xuất khẩu và thúc đầy hơn nữa các cơ hội tăng trưởng.

Theo Amazon, Việt Nam là một nền kinh tế năng động, dựa vào xuất khẩu, kết hợp lợi thế trong việc sáng tạo sản phẩm, năng lực sản xuất và chuyển đổi số mạnh mẽ, Việt Nam có khả năng thúc đẩy xuất khẩu bán lẻ qua thương mại điện tử một cách hiệu quả. Tính đến ngày 31/08/2023, các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã đạt được những kết quả đáng khích lệ với 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được bán ra cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới, tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu. Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon tăng 50%, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Đáng chú ý, có hàng nghìn doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu với Amazon.  Amazon Global Selling Việt Nam đặt mục tiêu mở rộng các nỗ lực hỗ trợ nhà bán hàng Việt Nam để tăng cường đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh doanh và xây dựng thương hiệu toàn cầu, từ đó, chủ động nắm bắt xu hướng xuất khẩu mới năng động này.

Tại hội nghị, Amazon đã công bố trọng tâm chiến lược năm 2024, giới thiệu loạt công cụ, chương trình và dịch vụ mới và cải tiến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam bắt đầu và phát triển kinh doanh toàn cầu qua Amazon; đồng thời chính thức khai trương Trung tâm Đào tạo Amazon Day -1 đầu tiên tại Việt Nam. 3 trọng tâm chiến lược trong năm 2024 được Amazon Global Selling Việt Nam công bố gồm:

Một là, tăng cường sự sẵn sàng cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam bằng cách đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan Chính phủ, các đối tác chiến lược để trang bị kiến thức và cung cấp đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước; thúc đẩy sự phát triển các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành; nhân rộng các hoạt động chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong cộng đồng doanh nghiệp.

Hai là, thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng, bao gồm kết nối các nhà bán hàng với các nhà sản xuất trong nhiều ngành hàng trên toàn quốc để tạo và mở rộng danh mục sản phẩm sản xuất từ Việt Nam, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước nhanh chóng nắm bắt xu hướng, cơ hội xuất khẩu trực tuyến.

Ba là, nâng cao chất lượng và thành công của các doanh nghiệp Việt thông qua việc tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu toàn cầu…

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Các bài khác
Tư vấn đầu tư
Tư vấn đầu tư
Kết nối doanh nghiệp
Kết nối doanh nghiệp
Xúc tiến thương mại
Xúc tiến thương mại
Tài liệu - Ấn phẩm
Tài liệu - Ấn phẩm
VIỆN NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC, CHÍNH SÁCH CÔNG THƯƠNG
TRUNG TÂM THAM VẤN WTO và FTAs
WTO